Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua
24/06/2020 05:20 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đây là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hà- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tại Hội thảo quốc tế về thúc đẩy thỏa thuận song phương trong lĩnh vực lao động, việc làm và xã hội sau Covid-19, do Bộ LĐ-TB&XH và Tổng vụ Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tổ chức chiều 23/6.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hà- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đại dịch Covid-19 xuất hiện đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm của NLĐ, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm trên thế giới. Nhóm lao động có việc làm phi chính thức, lao động không có HĐLĐ, có thu nhập thấp, lao động trẻ tuổi và lao động cao tuổi, phụ nữ, lao động di cư là những nhóm dễ bị tổn thương do tác động của dịch bệnh. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của Việt Nam ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua, khi ước tính có hơn 22 triệu người đứng trước rủi ro cao về việc làm.
Trong bối cảnh đó, nhờ giải pháp ứng phó của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn, NLĐ bị giảm sâu thu nhập và sự đồng lòng của người dân trong công tác phòng chống dịch, Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa giữ vững ổn định xã hội. Trong tháng 5/2020, trên 5.000 DN đã quay trở lại hoạt động, số DN thành lập mới tăng 36,1% so với tháng trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 26,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2%...
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Valentina Barcucci- Phó Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội cho biết, theo phân tích của ILO, đại dịch Covid-19 đã khiến cho 47 triệu người SDLĐ (chiếm 54%) hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa xe cơ giới, chế tạo, dịch vụ ăn uống, lưu trú, địa ốc, nghệ thuật, giải trí, vận chuyển, lưu trữ và truyền thông bị ảnh hưởng. Tại Việt Nam, các lĩnh vực và nhóm lao động bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19 bao gồm: Thương mại, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa xe cơ giới, chế tạo, xây dựng, địa ốc, kinh doanh, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, lưu trữ, nghệ thuật, giải trí... với ước tính khoảng 9 triệu người dễ bị tổn thương, trong đó có trên 50% là lao động nữ.
Số liệu phân tích của thị trường lao động trong quý I/2020 tại Việt Nam cho thấy, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 75,4%, mức thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất 5 năm trở lại đây, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng. Trong 3 tháng đầu năm 2020, cả nước có 18.600 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 26% so với cùng kỳ 2019); 42% DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và 31,3% DN thiếu nguyên vật liệu. Tất cả các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất đều bị tác động mạnh, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là: Dệt may với 3 triệu lao động; du lịch 1.300 lao động; hàng không 20.000 lao động; đường sắt 11.000 lao động… Trong tháng 4/2020, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 101.800 người; tháng 5 là 157.945 người. Tổng số 5 tháng đầu năm có 430.118 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (bằng 128% so với cùng kỳ năm 2019).
Nhấn mạnh các giải pháp của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hà cho biết, để hỗ trợ người dân và DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 24/4/2020, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ với tổng số trên 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng. Cuối tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP, trong đó đề ra các nhiệm vụ cụ thể, nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu thực hiện các mục tiêu đã được Quốc hội đề ra. Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục quan tâm các đối tượng dễ bị tổn thương như: Phụ nữ, trẻ em, người có công, người khuyết tật… đảm bảo công khai, minh bạch, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho các đối tượng được hỗ trợ.
Cũng tại Hội thảo, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng vụ Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) đã thống nhất ký kết kế hoạch hợp tác trong tương lai.
V.Thu
baobaohiemxahoi.vn
Bảo hiểm y tế - Hơi thở của sự sống
Những điều cần biết về BHYT HSSV
Những điều cần biết về BHYT học sinh, sinh viên