BHXH toàn dân: Bước phát triển trong tư duy lý luận (Bài 01)
29/05/2020 02:16 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
(Ảnh minh họa)
Nền tảng An sinh quan trọng
Ngày 14/06/2012, tại kỳ họp lần thứ 101 Hội nghị Lao động Quốc tế, tổ chức tại Geneva, đã đưa ra khuyến nghị xây dựng sàn An sinh xã hội (hay còn gọi là Khuyến nghị 202); trong đó, tái khẳng định An sinh xã hội là một trong những quyền con người. Trách nhiệm chung và cơ bản của Nhà nước là phổ cập an sinh, dựa trên đoàn kết xã hội (universality of protection, based on social solidarity). Năm 2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo đó, trong bản Hiến pháp 2013, tại Điều 34 đã nêu: Công dân có quyền được bảo đảm An sinh xã hội.
Tại Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 khẳng định: BHXH, BHYT là hai chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống An sinh xã hội. Với khoảng 90% dân số tham gia BHYT, có thể nói Việt Nam đã cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân – nội dung được nêu trong Công ước số 102 của Tổ chức Lao động quốc tế quy phạm tối thiểu về An toàn xã hội.
Trên quan điểm định hướng của Đảng, cụ thể hóa một bước cao hơn nhằm đảm bảo thực hiện Quyền được đảm bảo An sinh xã hội của công dân được quy định trong Hiến pháp 2013, ngày 23/5/2018, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 khóa XII đã thông qua Nghị quyết 28-NQ/TW về Cải cách chính sách BHXH. Trong đó nêu rõ: mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.
Như vậy, định hướng BHXH toàn dân là một bước chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy lý luận của Đảng ta thể hiện quan điểm xuyên suốt về phát triển An sinh xã hội – đã được thể hiện tại Điều 34 Hiến pháp 2013, tiếp tục phát triển ở một bước cao hơn về tư duy lý luận, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta và phù hợp với thông lệ quốc tế (Công ước 102 của Tổ chức Lao động Quốc tế) nhấn mạnh tính nhất quán trong toàn bộ hệ thống các chế độ BHXH.
Đối chiếu khuyến nghị về sàn An sinh xã hội của ILO, nhất là ở mục tiêu bảo đảm An sinh xã hội cho càng nhiều người càng tốt; hay trong mục tiêu phát triển bền vững được LHQ đặt ra - SDG 1.3: bảo đảm An sinh xã hội cho tất cả - for all (Implement nationally appropriate social protection systems and measures for all, including floors, and by 2030 achieve substantial coverage of the poor and the vulnerable); mục tiêu BHXH toàn dân của Việt Nam cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ, bảo đảm rằng: mọi người dân đều có quyền và cơ hội được tham gia và thụ hưởng BHXH, Nhà nước tạo hành lang pháp lý bảo đảm các quyền an sinh xã hội của người dân được thực hiện, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Người dân kiểm soát được các đóng góp của mình thông qua cơ chế công khai, minh bạch của các cơ quan được giao quản lý quỹ BHXH. Cũng phải nói thêm rằng quyền lợi bao giờ cũng đi đôi với nghĩa vụ, xây dựng để người dân có niềm tin, có thói quen, hình thành văn hóa “tự An sinh xã hội”, cùng chia sẻ, tham gia BHXH lúc còn trẻ, khi có điều kiện để về già được hưởng BHXH, giảm bớt gánh nặng cho bản thân, gia đình và Nhà nước.
ThS.Điều Bá Được
Nguyên Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam)
Nguồn tin: baohiemxahoi.gov.vn
Bảo hiểm y tế - Hơi thở của sự sống
Những điều cần biết về BHYT HSSV
Những điều cần biết về BHYT học sinh, sinh viên